0963937586
Tư vẫn miễn phí 24/24
Ship code
Trên phạm vi toàn quốc
Thanh toán
Khi nhận hàng tại Hà Nội
Góc tư vấn

Quan Âm Phật Đài - Địa điểm du lịch văn hóa tâm linh nổi tiếng ở Bạc Liêu

14:01 | 23/02/2024

Quan Âm Phật Đài là công trình tôn giáo nổi tiếng ở Bạc Liêu, có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Mẹ Nam Hải, chùa Quan Âm Hải Nam, chùa Quán Âm Phật Bà,...

Phật Bà Nam Hải - Quan Âm Phật Đài là một trong những ngôi chùa nổi tiếng ở Bạc Liêu nên thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước thăm quan, tìm hiểu. Công trình kiến trúc này không chỉ nổi tiếng với pho tượng Bồ Tát Quan Thế Âm cao 11 mét mà còn có nhiều hạng mục mang đậm nét văn hóa của Phật giáo Bắc Tông. Cùng tìm hiểu chi tiết trong nội dung thông tin bài viết dưới đây.

1. Chùa Quan Âm Phật Đài ở đâu?

Quan Âm Phật Đài là tên gọi của một ngôi chùa tọa lạc ở phía đê biển đông của phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc Tông.. Chùa Quan Âm Phật Đài có nhiều tên gọi khác nhau như chùa Quan Âm Nam Hải, chùa Mẹ Nam Hải,...

Chùa Quan Âm Phật Đài ở  thành phố Bạc Liêu

Chùa Quan Âm Phật Đài ở  thành phố Bạc Liêu

Điều ấn tượng và thu hút du khách khi tới Quan Âm Phật Đài đó chính là bức tượng Quan Âm cao khoảng 11m hướng ra biển đông với ý nghĩa phổ độ chúng sinh, bảo vệ và mang tới bình an cho ngư dân. Đây là công trình Phật giáo có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh đối với vùng đất Bạc Liêu.

Chùa Quan Âm Phật Đài cách trung tâm thành phố khoảng 8km nên việc di chuyển đến đây khá dễ dàng bạn có thể đi xe máy, xe bus, xe ô tô, xe taxi,...Nếu chọn đi xe máy thì từ trung tâm thành phố, bạn lái xe đi theo hướng Trần Phú rồi đến Cầu Võ Thị Sáu và tới đường Cao Văn Lầu, tới vòng xoay ngã 3 Nhà Mát. Sau khi rẽ vào DT38 thì bạn chạy thẳng đường Đê Biển là sẽ nhìn thấy ngôi chùa nằm ở bên tay phải.

2. Sự tích về Quan Âm Phật Đài

Bạc Liêu được mệnh danh là “xứ cơ cầu, dưới sông cá chốt trên bờ Triều Châu” nên nơi đây có rất nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng trong đó không thể không nhắc tới chùa Quan Âm Phật Đài. Gắn liền với sự ra đời của ngôi chùa là những truyền thuyết, câu chuyện tâm linh kỳ bí.

Sự tích về Quan Âm Phật Đài

Sự tích về Quan Âm Phật Đài

Tương truyền, trước đây người dân Bạc Liêu sống bằng nghề đánh bắt cá ngoài khơi xa, hầu hết người dân đều bám biển mưu sinh nên nhà nào cũng có ít nhất một người đàn ông ra khơi dăm ba tháng mới về. Những người mẹ, người vợ ở nhà chăm lo việc gia đình và đợi chồng, đợi con trở về bình an.

Một lần, ngay khi người chồng ra khơi thì trên đất liền có dấu hiệu bão dữ sắp đến. Người vợ vô cùng hoảng hốt nhưng lại không thể thông báo được cho chồng. Cô đành đứng bên bãi biển, hướng về phía biển Đông chờ đợi và không ngừng niệm Phật, cầu Bồ Tát phù hộ. Sau đó, một bà cụ xuất hiện và được người vợ mang đồ ăn giúp đỡ.

Lúc này, một hiện tượng lạ xảy ra đó chính là điềm báo về chuyến ghé thăm của Quan Âm Bồ Tát. Ngài đã cải trang và thử lòng người vợ. Ngay hôm sau, đoàn thuyền đánh cá có người chồng đã trở về và thoát nạn một cách kỳ diệu.

Ngay sau đó, hai vợ chồng ngư dân nghèo đã lập một bức tượng Quan Âm nhỏ với khuôn mặt hiền từ, hướng ra biển để thờ phụng, đền đáp công ơn của Ngài. Về sau, người dân nơi đây coi đó là chốn linh thiêng, cầu bình an cho mình và người thân nhất là trước những chuyến đi biển của ngư dân.

Mọi người ít khi gọi là Quan Âm Phật Đài Mẹ Nam Hải mà thường gọi tắt là Mẹ Nam Hải để bày tỏ sự tôn kính và gần gũi.

3. Chùa Quan Âm Phật Đài được xây dựng khi nào?

Ban đầu, chùa Quan Âm Phật Đài chỉ là một ngôi nhà đơn sơ được cất bằng lá cây ở trên một khu đất nhỏ ven biển. Bao quanh là ao đầm, bãi bùn với nhiều cây đước, cây mắm,...

Chùa Quan Âm Phật Đài được xây dựng từ lâu

Chùa Quan Âm Phật Đài được xây dựng từ lâu

Năm 1973, ngôi chùa tiến hành xây dựng tượng Quán Thế Âm lộ thiên cao 11m dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Trí Đức. Đến năm 2004, chính quyền Bạc Liêu đã cho san lấp khu đất nơi ngôi chùa tọa lạc và mở rộng phạm vi khoảng 3ha. Nhân dân địa phương, Phật tử đã cùng nhau đóng góp nên có nhiều hạng mục được dựng lên như cổng tam quan, cổng trời, điện Thiên Phủ, điện Địa Tạng,...

4. Kiến trúc của chùa Quan Âm Phật Đài

Chùa Quan Âm Phật Đài được xây dựng theo lối kiến trúc Bắc Tông, có không gian rộng, đón gió biển thổi vào. Khi bước qua cổng tam quan bạn sẽ thấy cổng trời rồi tới bức bình phong Hàng Long - Phục Hổ uy nghi cùng cột phượt cao đến 49 mét.

Kiến trúc của chùa Quan  Âm Phật Đài

Kiến trúc của chùa Quan  Âm Phật Đài

Chùa Mẹ Nam Hải được bố trí cân đối với tượng Quan Âm Bồ Tát ngự trên đài sen ở giữa, phía trước sân lễ là bức bình phong Phục Hổ cùng 32 pho tượng Bồ tát hóa thân. Hai bên chính là điện Thiên Phủ và điện Địa Tạng.

Điện Quán Âm là dãy nhà rộng nằm ở phía bên trái của tượng Phật Bà nhìn hướng ra cổng. Điện Quán Âm được xây dựng theo lối kiến trúc của chùa cổ Việt Nam. Bên phải nhìn ra hướng cổng là Điện Địa Tạng.

Trong khuôn viên chùa còn có núi Quán Âm nằm ngay ở phía trước tượng Phật Bà - công trình mang đậm nét kiến trúc Phật giáo. Trong lòng núi là đại điện, tái hiện lịch sử Đức Phật thuyết kinh Pháp hoa tại núi Kỳ xà quật (Ấn Độ); phẩm Phổ môn, Bồ tát Quan Thế Âm xuất hiện với Tổng đà la ni là 84 vị Bồ tát, mỗi vị có công hạnh khác nhau nhưng tất cả đều lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh để cứu khổ.

Nổi bật nhất tại chùa Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu có lẽ đó là bức tượng Quan Âm Bồ Tát hay còn gọi là mẹ Nam Hải được xây dựng vào năm 1973 đến năm 1975 thì hoàn thành. Ở thời điểm mới xây dựng, tượng được đặt sát mé biển nên khi thủy triều lên nước tràn vào làm ngập chân đế. Theo thời gian, vị trí đặt tượng đã được thiên nhiên bồi đắp, cách biển khoảng gần 1km.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 11 mét, ngự trên đài sen, hướng ra biển đông. Không chỉ mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà còn trở thành “ngọn hải đăng” cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ.

Đối với người dân địa phương, Mẹ Nam Hải là người luôn lắng nghe mọi đau khổ, bất trắc, che chở sóng gió cho người dân dù ở trên đất liền hay khi ra khơi. Hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm cầm bình cam lồ cứu vớt chúng sinh không chỉ giúp người dân tin vào sự cứu độ, lòng từ bi của ơn trên mà còn có thêm nghị lực, sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn và thử thách.

5. Lễ hội ở Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu

Hàng năm, vào ngày 22, 23, 24 của tháng 3 âm lịch lễ hội Quan Âm Phật Đài. Đây là một trong 6 lễ hội lớn của tỉnh Bạc Liêu được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận. Lễ hội không chỉ là một sự kiện tôn giáo lớn mà còn mang giá trị văn hóa độc đáo. Có rất nhiều hoạt động được diễn ra như thuyết pháp, nghi thức dâng hoa, hoa đăng cúng Phật, rước lễ Quan Âm, múa lân sư rồng, văn nghệ, lễ hội,...

Lễ hội ở Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu

Lễ hội ở Quan Âm Phật Đài Bạc Liêu

Với những giá trị văn hóa độc đáo, hấp dẫn từ các hoạt động tâm linh, lễ hội Quan Âm Phật Đài được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng của du lịch Bạc Liêu. Cứ đến dịp này, nơi đây lại thu hút rất đông Phật tử, du khách tới hành hương và tham gia vào các hoạt động ý nghĩa.

Bên cạnh đó, Quan Âm Phật Đài còn tổ chức các ngày lễ lớn khác như ba ngày lễ vía Quán Thế Âm diễn ra vào 19 tháng 2 Âm lịch (đản sinh), 19 tháng 6 Âm lịch (thành đạo), 19 tháng 9 Âm linh (xuất gia), lễ rằm tháng Giêng, lễ Vu Lan,...

Quan Âm Phật Đài không chỉ là địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng mà còn là nơi thể hiện tinh thần đoàn kết, văn hóa đặc trưng của vùng đất Nam Bộ góp phần không nhỏ giúp ngành du lịch Bạc Liêu phát triển. Nếu có dịp tới Bạc Liêu bạn đừng quên ghé thăm địa điểm tâm linh này nhé!

Địa chỉ cửa hàng: La Khê, Hà Đông, Hà Nội.
Địa chỉ xưởng: QL21B, Mã Não, Kim Bảng, Hà Nam
ĐT: 096.393.7586
Email: dotholoiphong@gmail.com